Các Kỹ thuật Pixel Art Cơ bản - Màu sắc
- Hùng Vũ
- Jan 23, 2019
- 15 min read

Như tôi đã từng nói, màu sắc là điều tối quan trọng trong pixel art. Quan trọng hơn nét rất nhiều, vì không phải lúc nào tranh của bạn cũng có đủ chỗ để bạn đi nét. Nếu có một sự so sánh, thì pixel art giống và nên giống với painting hơn là art có nét thông thường. Màu sắc sẽ là thứ tối quan trọng xác định nên hình khối không gian trong tranh của bạn. Đồng thời, màu sắc cũng chính là thứ quyết định khí sắc của cả bức tranh đó. Cả hai đều là yếu tố trọng yếu trong một bức tranh. Do đó, việc lựa chọn màu sắc của bạn lúc nào cũng cần phải hết sức thận trọng, khéo léo và phải có ý đồ rõ ràng. Với bài viết này, tôi hy vọng sẽ giúp bạn phần nào hiểu được điều đó.

Khái niệm Cơ bản
Tất nhiên, mặc dù ở trên tôi vừa đã nói rằng màu sắc là phần quan trọng nhất trong pixel art, thì màu sắc đồng thời cũng là phần thuộc về đánh giá chủ quan nhất. Mức độ xấu hay đẹp trong cách sử dụng màu sắc của mỗi họa sĩ cũng sẽ khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ bên ngoài đến bên trong. Phong cách sử dụng màu của các họa sĩ pixel nổi tiếng sẽ được chúng ta đào sâu vào phân tích trong phần cuối của loạt bài về pixel art này. Tuy vậy, trong bài này tôi vẫn sẽ giải thích cụ thể các khái niệm và những quy tắc cơ bản nhất có thể để giúp bạn đặt những bước chân đầu tiên vào con đường làm bạn mới đống màu sắc cực kỳ vất vả này. Hãy sẵn sàng tâm lý dành quá nửa thời gian thực hiện một bức tranh chỉ để chỉnh màu nhé.
Lý thuyết Màu

Lý thuyết Màu (Color Theory) là một kỹ năng quan trọng cơ bản mà bất cứ người họa sĩ hay thiết kế nào cũng phải biết. Thực ra nói thật là bản thân tôi đôi lúc cũng không nắm rõ lắm ngoài một vài quy tắc cơ bản. Còn lại tôi tin tưởng vào mắt mình hơn. Có một số những sự kết hợp màu sắc sinh ra từ Lý thuyết Màu mà tôi chẳng thấy đẹp cho lắm. Nhưng dù sao, nếu bạn là người mới, thì tốt nhất nên đọc sơ qua một chút về Lý thuyết Màu.
Trong bài này, chúng ta sẽ không nói về Lý thuyết Màu. Bạn có thể dễ dàng tìm được rất nhiều hướng dẫn viết về nó trên Internet. Ví dụ như bài này.
Phương pháp tư duy màu
Cách tạo màu trong các chương trình chỉnh sửa tranh ảnh thường được chia ra làm hai loại, và hầu như chương trình nào cũng hỗ trợ cả hai: RGB (Red, Green, Blue) và HSL (Hue, Saturation, Luminosity). Để điều khiển màu được bằng phương thức RGB là vô cùng phức tạp, nên đa số họa sĩ trong các ngành sử dụng phương thức HSL. Và đó cũng là phương thức mà chúng ta sẽ chọn để sử dụng trong bài viết này.

Như chúng ta có thể thấy trong Hình 2. Giá trị Hue là vị trí của màu trên thang màu hoặc bánh xe màu, Saturation là độ đậm nhạt của màu (hay còn gọi là độ bão hòa), và Luminosity (đôi khi là Lightness hoặc Value) là độ sáng tối của màu. Lợi thế lớn nhất của phương thức HSL so với RGB đó là việc khi bạn muốn thay đổi một màu nào đó, bạn có thể hình dung rất rõ trong đầu rằng bạn cần phải thay đổi các giá trị của màu như thế nào. Còn nếu sử dụng phương thức RGB, bạn sẽ phải hiểu rõ cách các màu Red, Green và Blue tương tác như thế nào với nhau để tạo ra được hiệu quả mong muốn. Rất phức tạp và khó điều khiển!
Thang màu & Bảng màu

Thang màu (color ramp) là bậc thang thể hiện các cấp độ sắc thái của một chuỗi màu mà bạn sử dụng. Trong đa số trường hợp, các thang màu dùng để thể hiện các màu mà người họa sĩ sẽ lựa chọn để lên màu từ tối tới sáng. Thang màu không giới hạn số lượng sắc thái màu. Hình 3 là các ví dụ của thang màu.
Hỏi: Nên sử dụng bao nhiêu màu trong một bức tranh là vừa?
Bao nhiêu tùy bạn. Tuy nhiên, đã là pixel art thì tốt nhất là nên càng thấp càng tốt. Bạn có thể thắc mắc là tại sao trong thời đại này khi màn hình máy tính gần như đã cởi bỏ được hoàn toàn những giới hạn về màu sắc, thì chúng ta lại phải giữ số lượng màu của một bức tranh để làm gì. Có hai lý do:
Để đảm bảo sự mạch lạc, gắn kết và thống nhất của toàn diện bức tranh. Khi bạn sử dụng số lượng màu thấp, thì các màu sẽ được tái sử dụng liên tục trên cả bức tranh, qua đó giúp bức tranh giữ được nguyên trạng khí sắc hay nói hoa mỹ hơn một chút là cái ‘hồn’ của nó.
Giúp cho người họa sĩ dễ dàng hơn trong việc quản lý các màu. Khi bạn sử dụng đến tận 200 màu, thì mỗi khi bạn muốn thay đổi màu sắc, bạn sẽ phải vất vả thay đổi thủ công rất nhiều màu. Việc này là bởi mỗi khi bạn muốn thay đổi một màu nào đó, bạn đồng thời sẽ phải thay đổi tất cả các màu có liên quan hay có kết nối tới màu đó để đảm bảo rằng cả bảng màu vẫn có thể phối hợp với nhau một cách hài hòa. Việc sử dụng quá nhiều màu sẽ khiến cho công đoạn vốn đã rất mất thời gian đó là màu sắc này lại càng tốn thì giờ thêm nữa.

Hỏi: Có nên tạo bảng màu (palette) hay không?
Nhìn chung là có. Nhưng tùy thuộc vào độ phức tạp của bức tranh mà mức độ hữu dụng của việc tạo bảng màu sẽ thay đổi theo. Nếu bức tranh của bạn đơn giản, sử dụng ít màu, thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng công cụ color picker để nhặt các màu có sẵn. Còn nếu tranh của bạn có animation, sử dụng lượng màu lớn, với mức độ tương tác và kết nối giữa các thang màu (color ramp) cao, thì tốt hơn hết là nên làm hẳn một bảng màu ra để dễ dàng quản lý.
Đồng thời, cũng để góp thêm ý cho câu hỏi trước về việc giới hạn số lượng màu, thì một cách hữu hiệu để tiết kiệm tối đa được số lượng màu, đó là kết nối các thang màu lại với nhau. Bạn có thể xem bảng màu của tôi ở Hình 4 và xem cách các thang màu trong bảng màu đó được kết nối với nhau như thế nào.

Kỹ thuật Pha màu

Để các bạn dễ hình dung, chúng ta sẽ giả sử chúng ta có một sprite thùng gỗ như Hình 5. Đầu tiên chúng ta chưa đổ màu vội, mà chúng ta sẽ dùng những màu thuần xám (grayscale) để vẽ sprite. Việc này để đảm bảo rằng trước hết, độ tương phản thể hiện qua độ sáng (luminosity) giữa các màu của sprite là đã vừa mắt. Đồng thời, chúng ta cũng muốn có một thang màu rộng ra một chút, để thang màu này có thể được linh hoạt và có thể sử dụng trong nhiều trường hợp khác hơn.

Bước tiếp theo như trong Hình 6, chúng ta đổ màu nâu cho thang màu. Tại đây, thang màu nâu của chúng ta gần như không khác gì thang màu xám trước đó, chỉ trừ mỗi việc là giá trị Hue đã thay đổi đồng đều thành 30 thay vì 0.
Hue Shifting
Hue Shifting, hiểu một cách đơn giản nhất, đó là pha thêm những màu khác vào thang màu của bạn, từ màu tô bóng đến màu tô sáng, qua đó giúp cho bức tranh trở nên thú vị và có cá tính hơn. Đây là kỹ thuật chung trong đa số các loại hình art, chứ không chỉ của riêng pixel art.

Trên phương diện kỹ thuật, Hue shifting là đẩy dần giá trị Hue của các màu trên thang màu đi lệch ra khỏi giá trị Hue mặc định. Một quy tắc cơ bản và khá dễ hiểu về Hue Shifting cho người mới, đó là khi màu càng sáng, giá trị Hue sẽ càng kéo về phía màu vàng; và khi màu càng tối, giá trị Hue sẽ càng kéo về phía màu xanh da trời. Điều này là bởi trong điều kiện ánh sáng thông thường nhất, ánh nắng từ phía mặt trời sẽ mang sắc tố vàng và rất nóng. Do đó để cân bằng, các màu tối hơn sẽ dần mang thêm nhiều sắc tố xanh da trời, vốn là màu lạnh. Tất nhiên, đó là trường hợp thông thường nhất. Trong các trường hợp đặc biệt hơn, khi nguồn sáng không phải là mặt trời, hay nếu bạn có phong cách chọn màu của riêng mình, bạn có thể sẽ muốn kéo khoảng giá trị Hue của cả thang màu lệch đi xa hơn.

Trở lại với thùng gỗ ban nãy. Nếu chúng ta thử áp dụng kỹ thuật Hue Shifting, bằng cách chọn lấy một màu làm màu trung bình, sau đó cộng dần đều 6 điểm vào giá trị Hue của 3 màu sáng, và trừ dần đều 6 điểm vào giá trị Hue của 2 màu tối, thì kết quả thu được trông sẽ giống như Hình 8.
Có thể thấy chiếc thùng gỗ của chúng ta đã có phong cách và có hồn hơn rồi phải không?
Saturation Shifting
Ngoài Hue Shifting, chúng ta cũng cần phải biết tận dụng và tùy chỉnh thanh Saturation (độ bão hòa màu). Tuy vậy, so với Hue Shifting, thì Saturation Shifting là một kỹ thuật biến đổi khôn lường và khó điều khiển hơn rất nhiều. Nói đơn giản thì nó thuộc dạng kỹ thuật cao hơn, do đó đòi hỏi trình độ và công sức luyện tập của người họa sĩ một chút. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể nghiên cứu và học theo từ bảng màu của những người đi trước. Không ai cấm, bởi không ai có thể đăng ký bản quyền một bảng màu được. Hãy tận dụng điều đó.

Mỗi người và mỗi trường hợp lại có một cách thực hiện Saturation Shifting khác nhau. Nhưng nếu bạn không biết nên bắt đầu từ đâu, thì bạn có thể làm theo gợi ý này trong Hình 9. Đây là cách mà tôi học được từ họa sĩ Cyangmou, và cho đến giờ tôi vẫn hay dùng. Chúng ta sẽ chọn điểm giữa hoặc gần giữa của thang màu làm điểm với giá trị Saturation cao nhất. Càng ra xa màu đó, thì giá trị Saturation càng giảm. Điều này là bởi càng ra phía hai cực của thang màu, thì khả năng “đốt mắt” của các màu này càng cao, khiến cho chúng trở nên dễ đánh lạc hướng sự tập trung của người nhìn. Nếu cái chúng ta cần là màu sắc được thể hiện thật đậm để làm rõ sự khác biệt của từng cá thể trong bức tranh, thì những màu ở giữa thang màu trong đa số trường hợp sẽ là những màu được sử dụng nhiều nhất.

Do đó, nếu chúng ta làm theo gợi ý trên và áp dụng Saturation Shifting, thùng gỗ của chúng ta sẽ còn trở nên hoàn thiện và ấn tượng hơn nữa (Xem Hình 10).
Điều khiển Độ sáng
Hỏi: Vậy độ sáng thì sao? Độ sáng còn có công dụng gì nữa không?
Có. Chỉ là trong ví dụ chiếc thùng gỗ ở trên, tôi không có cách nào để biểu diễn độ hữu dụng cao cấp hơn của độ sáng (Luminosity). Độ sáng ngoài công dụng xác định mức độ tương phản phù hợp ban đầu trong bản đen trắng (grayscale), thì nó cũng có công dụng xác định độ dày của một nét. Bạn có thể tham khảo Hình 11 sau.

Ở đây, ta thấy ví dụ thứ nhất ở trên là một nét màu đen cơ bản. Và ở dưới nó là một nét cũng màu đen nhưng lại với các mức độ sáng khác nhau. Ta sẽ để ý thấy rằng độ dày của nét màu đen thứ hai là không đồng đều, và càng tiến giới điểm giữa thì độ dày của nó càng giảm.

Đồng thời, độ sáng của màu background hay các màu bao quanh một màu cũng là yếu tố quan trọng để xác định xem màu đó sẽ được tôn lên hay sẽ được giấu đi, tùy thuộc vào ý đồ của bạn. Ví dụ như trong Hình 12. Bạn có thể để ý thấy rằng với background màu trắng, bạn sẽ rất khó để ý thấy màu highlight trên tóc của nhân vật. Điều này là bởi độ sáng của background trắng đã làm thay đổi cách mắt bạn tiếp cận màu tóc, khiến cho nó trở nên sáng hơn so với thật sự, qua đó khiến cho nó khớp hơn với độ sáng của highlight, và do đó highlight đã bị chìm đi. Nhưng ngược lại, với background màu đen, đoạn highlight đó lại được nổi lên cực kỳ rõ ràng, bởi cũng tương tự, background màu đen đã kéo độ sáng vốn đã thấp của màu tóc xuống, qua đó càng làm nổi hơn độ sáng của highlight.
Tất nhiên, làm art bằng cách chỉnh lên chỉnh xuống một cột số sẽ dễ dàng hơn với người mới. Nhưng điều quan trọng hơn cả, là bạn cần phải làm quen với việc liên tục tìm hiểu và nghiên cứu bảng màu của các họa sĩ khác, đồng thời thử nghiệm với bảng màu của riêng mình để tìm được phong cách của bạn.
À đấy, nhắc đến việc tìm phong cách cho bản thân ấy mà...
Sáng tạo đến từ giới hạn
Đây là câu chuyện của cá nhân tôi. Thời tôi mới bước chân vào học pixel art, tôi chỉ có duy nhất một chiếc laptop Dell cũ, model gì tôi cũng chẳng nhớ nữa. Lúc mua máy tôi cũng không thèm để ý đến màn hình, mà chỉ quan tâm đến mỗi hiệu năng. Hiệu năng tốt là được, cần gì cái khác, nên chỉ cần mua rẻ thôi.

Và thế là tôi ôm chiếc Dell về. Phải đến mãi về sau, tôi mới nhận ra là khi đã làm những thứ liên quan đến đồ họa, thì cái quan trọng gần như là nhất khi mua một chiếc máy tính, đó là cái màn hình. Màn hình của chiếc Dell của tôi bị thiếu sắc đỏ, dù có hiệu chuẩn (calibrate) mấy cũng không cứu được. Thảo nào mà nó rẻ thế. Lúc tôi hiểu ra thì đã muộn.
Bởi vì màn hình của tôi bị thiếu sắc đỏ, nên với tư cách một họa sĩ, tôi gần như một người bị mù sắc tố đỏ. Do đó, nên đa phần những màu mà tôi chọn luôn có xu hướng pha đỏ mạnh hơn bình thường, như bạn có thể thấy trong Hình 13. Vì lý do đó, mà tranh của tôi tại thời điểm đó lúc nào cũng mang một tông màu chủ đạo rất đỏ, với saturation rất cao, khiến cho bức tranh trở nên rất nóng.
Liệu điều đó có khiến cho bức tranh của tôi trở nên đẹp và có cá tính hơn hay không, thì tôi xin để bạn tự đánh giá. Nhưng sự thực là nhờ có thứ mà tưởng chừng như là một giới hạn đó, tranh của tôi đi đến đâu cũng được người ta nhận ra nhờ có sắc đỏ nóng như lửa đốt của nó. Và tôi đã “chẳng may” tìm ra được cho mình một phong cách như vậy. Tôi không biết câu chuyện này của tôi có quá nhiều giá trị gì với bạn hay không. Nhưng tôi mong ít nhất nó sẽ là một lời gợi ý để giúp bạn tìm ra được phong cách của riêng mình.
Tận dụng màu Xám

Thế giới của pixel art là một thế giới đầy những ảo giác thị giác, và người họa sĩ pixel cũng là người nắm rõ cách để điều khiển thị giác của người xem, để đem đến những hiệu ứng hình ảnh rất khó tin. Một hiệu ứng đánh lừa thị giác mà pixel art có thể đạt được sẽ là như trong Hình 12. Nếu bây giờ tôi bảo với bạn là màu xanh nõn chuối và màu xanh bột (powder blue) trong hình thực ra lại là một, bạn có tin không? Nếu không tin, bạn có thể mở Photoshop lên và kiểm tra bằng công cụ Color Picker.
Ảo ảnh thị giác mà bạn đang nhìn thấy ở đây đạt được bằng cách sử dụng các đường sọc màu tím và màu cam để thay đổi thông tin màu sắc truyền tới mắt chúng ta. Một màu chỉ có thể là chính nó khi nó đứng một mình. Một khi nó đã đứng cạnh một màu khác, thì phụ thuộc vào cường độ ít hay nhiều, mà cách mắt chúng ta tiếp nhận màu sắc đó cũng thay đổi theo. Đừng bao giờ tin vào mắt bạn nhé. Hãy chỉ tin vào Photoshop và công cụ Color Picker thôi!
Tương tự, trong pixel art cũng có một màu chuyên trị để đi đóng giả làm màu khác như vậy. Hắn gần như có thể biến thành bất cứ màu nào hắn muốn, miễn là hắn có một bộ cánh phù hợp. Kẻ đó chính là màu xám.

Cũng giống như cách bạn có thể thay đổi độ sáng của một màu bằng độ sáng của màu xung quanh nó, thì giá trị Hue của màu xám mà mắt ta thu về cũng sẽ thay đổi phụ thuộc vào giá trị Hue của các màu xung quanh.
Nếu bạn nhìn vào Hình 13, bạn sẽ thấy ở đây chúng ta có một màu xám gần như tuyệt đối, với giá trị Saturation chỉ nằm ở con số 7. Tuy vậy, trong bức tranh, thì màu tiếp nhận của sắc xám này trong mắt ta lại là màu xanh chứ không phải màu xám. Điều này là bởi màu bao xung quanh nó và màu của background là màu tím tối với Saturation rất cao (đây đồng thời cũng là màu đối lập với màu xanh trên bánh xe màu; đây là kiến thức về Lý thuyết Màu nhé), khiến cho màu xám trở nên xanh hơn thực sự.
Khi đã thông thạo cách điều khiển màu xám, bạn sẽ thấy nó là một công cụ cực kỳ đắc lực, giúp bạn giảm được tối đa số lượng màu sắc trong bảng màu của bạn. Đồng thời, nếu bạn đã nắm được bản chất này của màu xám, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn có thể pha được màu xám trên bức tranh của bạn mà không cần đến màu xám thực sự trên bảng màu.

Thật vậy. Như trong Hình 14, nếu bạn pha hai màu đối lập nhau trên bánh xe màu, bạn sẽ đạt được một màu rất gần với màu xám thuần. Bạn chỉ việc xếp cho hai màu này ở cạnh nhau, còn việc pha màu thì cứ để cho mắt của bạn lo. Một màu, mà nếu đứng gần một màu khác, làm tiêu giảm giá trị Hue tiếp nhận của màu đó, thì màu đó được gọi là màu trung hòa (Neutralizer).

Các Gợi ý khi Lựa chọn Màu sắc
Sau khi đã hiểu được các khái niệm cơ bản về màu sắc, chúng ta gần như đã có thể bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm ngay. Tuy vậy, vẫn có một số những lời khuyên và chia sẻ từ các họa sĩ pixel khác mà tôi nghĩ các bạn vẫn nên biết. Đây không phải là những quy tắc chặt chẽ mà bạn bắt buộc phải làm theo, mà chỉ đơn giản là những lời gợi ý để bạn thử nghiệm xem liệu có phù hợp với mình hay không.
Quy trình Tạo bảng màu
Đa số các họa sĩ sẽ lựa chọn phương thức bắt tay vào việc đổ một khối màu cơ bản để tạo hình bức tranh. Câu hỏi đặt ra ở đây của chúng ta là “Bức tranh này cần những màu gì để mình thêm vào?” Và đi xa đến đâu với các chi tiết của bức tranh, thì khi cần thiết, họa sĩ sẽ pha thêm màu đến đó. Có thể là cần thêm màu để tạo hiệu ứng đổ bóng nâng cao hơn, hoặc cần vẽ thêm các chi tiết hay các yếu tố đặc biệt khác. Hình 15 thể hiện rõ quy trình này.

Giống như quy trình làm chiếc thùng gỗ của chúng ta ở trên, thì một số họa sĩ khác lại lựa chọn phương thức hoàn thành cả bức tranh bằng các màu đen/trắng và xám trước, nhằm đảm bảo rằng độ tương phản giữa các màu là đã hoàn hảo, rồi sau đó mới đổ màu (Xem Hình 16). Điểm mạnh của phương thức này đó là giúp cho người họa sĩ nắm giữ quyền điều khiển màu sắc ở mọi thời điểm, và dễ dàng kết hợp màu sắc giữa các chi tiết với nhau để tiết kiệm số lượng màu trên bảng màu. Tuy nhiên ngược lại, phương thức này sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều thời gian. Bởi bạn sẽ phải tô màu lại cho gần như từng pixel bằng tay một.

Gợi ý Khác
Không nên chọn màu thuần đen, trừ khi thực sự cần thiết. Thay vì màu đen, bạn có thể sử dụng các màu nâu tối, tím đậm, xanh tối hoặc xám tối. (Họa sĩ cocefi)
Không nên đổ bóng và đi sâu vào các chi tiết hay kỹ thuật cao hơn như anti-aliasing hay dithering trước khi bạn có thể ‘chốt’ bảng màu mà bạn mong muốn. Bởi nếu bạn thay đổi màu sắc sau đó, thì bạn sẽ không còn giữ được toàn quyền thử nghiệm với chúng nữa, bởi chúng đã bám theo quy tắc của các pixel đã được đặt sẵn trên bức tranh rồi. Bạn sẽ không thể thay đổi một màu đã được sử dụng để làm anti-aliasing quá nhiều được, bởi nếu quá nhiều thì nó sẽ đánh mất chức năng làm mượt bước chuyển đổi đi và sẽ trở thành nhiễu (noise). (Họa sĩ Snake)
Khí sắc của một bức tranh cũng được thể hiện rất nhiều thông qua lựa chọn màu sắc của bạn. Màu xám có thể thể hiện khí sắc trung lập, hoặc dùng để thể hiện sự hồi tưởng. Trong khi đó thì các màu nóng như vàng, cam hay đỏ sẽ thể hiện sự vui vẻ, mạnh mẽ, phóng khoáng. Còn các màu lạnh như xanh, hay tím thì sẽ thể hiện sự buồn bã và lạnh lẽo hơn. (Xem Hình 17) (Họa sĩ Jinn)

Nếu bạn đang vẽ sprite cho game, thì điều quan trọng nhất đối với chúng là tính dễ đọc (readability). Do đó, bạn sẽ muốn sử dụng các màu có độ tương phản cao trên các sprite để chúng có thể nổi bật lên trên background với độ tương phản thấp. Tôi thường cố gắng có ít nhất một màu chủ đạo cho tất cả các loại thiết kế nhân vật của mình. Màu này sẽ là màu (1) được sử dụng nhiều nhất trong sprite hoặc (2) là màu highlight cho chi tiết quan trọng nhất của sprite. Sau đó, tôi thường tạo thêm một màu nữa. Màu này thường sẽ là màu tương phản cao đối với màu chủ đạo. (Xem Hình 18) (Họa sĩ Paul Veer)

Và lời khuyên cuối cùng, có lẽ cũng là lời khuyên quan trọng nhất của tôi và cũng như tất cả những họa sĩ pixel khác, đó là đừng bỏ cuộc, và hãy liên tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm. Pixel Art có sống lâu với tư cách một loại hình nghệ thuật hội họa hay không, điều đó nằm ở chúng ta.
Bài viết có sử dụng một số tư liệu & hình ảnh từ tutorial của Cure đăng tại PixelJoint, tutorial của Pixel Logic, và tutorial của Cyangmou đăng tại DeviantArt.
Comments