top of page

Ys - Khúc hùng ca Lang thang

  • Writer: Hùng Vũ
    Hùng Vũ
  • Jan 13, 2019
  • 14 min read

ys chronicles

Trong thế giới của những game RPG hành động, dòng game Ys của Falcom vẫn luôn bị coi như một đứa em út ít nói và ít được mấy ai quan tâm. Mặc dù được coi là một trong số những dòng game RPG quan trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản, cho đến mãi những năm gần đây, Ys chưa từng bao giờ nhận được danh tiếng vẻ vang và rộng rãi trên khắp thế giới giống như đám bạn cùng trang lứa là Final Fantasy của Squaresoft và thậm chí là cả Dragon Quest của Enix. Trên thực tế tại thời điểm đó, Falcom không quá mặn mà với việc phát triển game cho các hệ máy Super Famicom và PC Engine, qua đó cho phép Squaresoft và Enix thực sự định hình thị trường game RPG tại Nhật Bản, vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Dragon Slayer của Falcom.

Có lẽ một phần gánh nặng nó phải mang trên vai chính là cái tên rất khó phát âm của mình—Ys, đọc gần giống như ‘ease’ chứ không phải là ‘wise’ giống như rất nhiều người đã nhầm tưởng: từ chính đội ngũ marketing của những phiên bản Ys đầu tiên tại phương Tây, cho đến bản thân tôi ngày trước. Tên đầy đủ của tựa game đầu tiên của nó là Ancient Ys Vanished Omens—một cái tên rất tối nghĩa, mà nếu ai đã chơi và đã hiểu nội dung của nó, thì tên đúng của nó đáng lẽ phải là Ancient Ys Vanished: Omens chứ không phải là Ancient Ys: Vanished Omens như một đống những người khác đã lại hiểu lầm tiếp.

Hoặc có lẽ cũng bởi những game này chưa bao giờ thực sự được có cơ hội xuất hiện trên những hệ máy mainstream tại các nước phương Tây. Ví dụ như phiên bản Ys I và Ys II đầu tiên xuất hiện tại phương Tây là trên hệ máy Master System và TurboGrafx-16 CD—đều là những hệ máy tuy có thiết kế và hiệu năng cực kỳ chất lượng, lại không thể chống chọi với cơn bão mang tên Nintendo. Dù vậy thì như tôi đã nói ở trên, và như tôi vẫn thường reo hò như một kẻ điên loạn trên Facebook, Twitter, Tumblr và đủ các thể loại mạng xã hội và diễn đàn khác, XSEED—một công ty nội địa hoá và phát hành chuyên mang những tựa game chất lượng của Nhật Bản và đặc biệt là của Falcom, mà tôi vẫn hay gọi là công ty người hùng của tôi—trong những năm gần đây, cụ thể là từ năm 2010 cho đến nay, đã nội địa hoá rất nhiều những tựa game Ys trên các hệ máy PC, PSP và PS Vita, mà khởi nguồn là Ys: The Oath in Felghana trên hệ máy PSP. Và giờ đây, nhờ có họ và sự ủng hộ của biết bao thế hệ những người yêu game của Falcom, người ta đã ngày càng được biết thêm về dòng game chủ lực của họ—lối chơi hành động tốc độ cao đòi hỏi phản xạ tốt, những cuộc phiêu lưu đến những vùng đất xa xôi, và đặc biệt những bản nhạc tuyệt vời nhất trong lịch sử của cả ngành game. Liệu tôi có quá lời không? Không hề chút nào, và chúng ta sẽ nói về âm nhạc trong game của Falcom sớm thôi.

adol christin
Adol Christin - Nhân vật chính của Ys

Nhân vật chính của Ys là Adol Christin, một kiếm sĩ trẻ tóc đỏ. Không có gì khác trong tay ngoài mái tóc đỏ như một ngọn lửa, kỹ năng với cây kiếm kiếm hết sức điêu luyện, và một niềm đam mê cháy bỏng với những cuộc phiêu lưu, Adol đi chu du khắp cả thế giới, vén màn bí mật của những nền văn minh cổ đại, giúp đỡ cho những người hoạn nạn, đúng theo kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha.” Cũng vì thế mà nơi nào có dấu chân anh để lại, là nơi đó sinh ra những bức tranh, những bức tượng, những bài thơ và những bản hùng ca tưởng nhớ công ơn người anh hùng với mái tóc đỏ đã đem lại công lý và hoà bình. Tương truyền rằng Adol Christin đã để lại cho đời sau đến hàng trăm những bức lưu ký ghi chép lại tường tận những cuộc phiêu lưu anh đã trải qua trong suốt quãng đời của mình, và cho đến nay mới chỉ có tổng cộng 8 cuộc phiêu lưu được Falcom tái hiện lại. Cũng giống như các nhân vật chính của rất nhiều những game RPG tại Nhật Bản khác tại thời điểm đó, Adol gần như không bao giờ nói trực tiếp. Trong những game mà anh có nói, thì anh cũng không bao giờ được lồng tiếng, ngoài những tiếng hét trong chiến đấu. Mặc dù ý định ban đầu của những nhà phát triển đều chỉ muốn những nhân vật như Adol là nhân vật tượng trưng cho chính người chơi, thì nay cái sự im lặng ấy đã ăn sâu vào và trở thành chính con người của anh—kiệm lời, nhưng đầy hào phóng và nghĩa hiệp, và đặc biệt là mang những màu sắc của chủ nghĩa anh hùng.

Mỗi khi nhắc đến cái tên Ys, là người ta nhớ đến một hòn đảo lơ lửng giữa bầu trời, đã từ lâu tách biệt hoàn toàn với mặt đất để tránh xa khỏi quỷ dữ. Hai game đầu tiên của dòng Ys—vốn thường được đi kèm với nhau—kể về nền văn minh và những câu chuyện của hòn đảo lơ lửng giữa không trung đó. Tuy vậy nhưng những game Ys về sau kể về những cuộc phiêu lưu của Adol Christin tại những miền đất khác và chỉ đôi khi nhắc lại những truyền thuyết cũ của nó. Lục địa Eresia, nơi mà đa phần những game Ys đều được đặt bối cảnh, được dựa trực tiếp trên châu Âu—đôi khi cực kỳ chi tiết, và cũng đôi khi khá mờ nhạt. Đa số những game đầu tiên của dòng Ys được đặt bối cảnh tại các vùng gần nước Pháp. Không rõ hòn đảo Esteria trong game Ys đầu tiên được dựa trên địa điểm nào, mặc dù trên bản đồ thì nó khá giống hòn đảo Île d'yeu gần bờ biển Vendée miền Tây nước Pháp. Nhưng dù vậy thì các game khác của dòng Ys đều được dựa trên những địa điểm có thật ngoài đời. Ys IV: Mask of the Sun và gần đây là Memories of Celceta đặt bối cảnh tại Celceta, mà ở ngoài đời là một nơi gần biên giới Pháp và Tây Ban Nha. Ys V: Lost Kefin, Kingdom of Sand ở tại Afroca mà ta có thể hiểu ngay là Châu Phi (Africa), và ở đó có thành phố Xandria, tức là Alexandria ngoài đời. Trong Ys VI: The Ark of Napishtim có việc Adol bị cuốn vào Cơn Lốc xoáy Vĩ đại Canaan (The Great Vortex of Canaan) mà ngoài đời cũng chính là Tam giác Bermuda, cùng với một chút thần thoại Atlantis trong đó. Ys Seven đặt địa bàn tại Altago, mà ở ngoài đời là thành phố Carthage thuộc nền văn minh cổ đại Carthaginia. Xuyên suốt qua các game, Adol rất thường xuyên đụng độ với đội quân khá độc ác hoang tàn của Đế chế Romun, mà lẽ dĩ nhiên là tương đương với đế chế Roma ngoài đời. Một chi tiết khá thú vị khác là ngoài đời đã từng tồn tại một thành phố cổ đại với cái tên Ys, được xây dựng gần Brittany. Mặc dù không phải lơ lửng trên bầu trời, thành phố này lại được xây dựng dưới mực nước biển và được bao quanh bởi các con đập. Tương truyền rằng quỷ dữ đã mở hết cổng và nhấn chìm cả thành phố dưới nước như một sự trừng phạt cho sự suy đồi của nó.

ys seven cast
Dàn nhân vật chính trong Ys Seven

Mặc dù tất cả các game đều được đặt bối cảnh tại những vùng đất khác nhau, với các tập thể nhân vật khác nhau, nhưng chúng vẫn tồn tại rất nhiều sự liên hệ và chuyển tiếp trải dài qua cả thế giới trong game. Ví dụ như Dogi, vốn là một nhân vật siêu kép phụ trong game Ys đầu tiên (anh giải cứu Adol ra khỏi ngục tù) sau đó đã dần trở thành một trong số những nhân vật chính trong Ys III, và liên tục xuất hiện trong những phiên bản Ys tiếp theo, để rồi cuối cùng trở thành một nhân vật điều khiển được trong Ys Seven. Một trong số những “nhân vật” chủ chốt trong game đầu tiên là cây đại thụ Roda, thứ đôi lần đã trò chuyện với Adol và giúp đỡ anh trên bước đường hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và xuyên suốt qua những game về sau, bạn có thể tìm thấy được những quả cây Roda. Tương tự trong Ys II, Adol cũng phải đi tìm cho được loài hoa Celceta để chữa trị bệnh cho Lilia—rồi cuối cùng anh được thực sự đến thăm đất nước Celceta trong Ys IV. Và trong những phiên bản Ys IV đầu tiên, Adol cũng có quay trở lại Esteria gặp lại những nhân vật cũ trong hai game đầu tiên. Cốt truyện bao trùm của cả dòng game Ys xoay xung quanh một giống nòi thiên sứ mang đôi cánh trắng rất gần với các vị thần cổ đại có tên Eldeen, đa số đều đã qua đời một vài thế kỷ trước khi những sự kiện trong game bắt đầu. Ngoài ra, các tựa game remake khi ra đời cũng chỉnh sửa (retcon) lại rất nhiều những chi tiết trong thế giới của Ys cũng góp phần khiến cho người mới cảm thấy có đôi phần khó hiểu, với ví dụ điển hình là sự tồn tại của hai ngôi đền Solomon tại cả Esteria lẫn Ys (tại Esteria là Solomon Shrine, và tại Ys là Solomon Palace, tuy nhiên liệu hai địa điểm này có liên hệ gì với nhau hay không thì trong game không thấy nhắc đến.)

Tuy vậy, nhưng cốt truyện trong game Ys chưa bao giờ tỏ ra quá phức tạp mà thay vào đó, nó lại khá vui hay thậm chí tôi phải dùng từ ‘ngây thơ’ để mô tả về nó, theo một cách rất cổ điển. Adol chu du đến một vùng đất mới, nơi mà tiếng tăm của người kiếm sĩ tóc đỏ đã vang đến từ lâu. Và sớm muộn thì Adol cũng sẽ vén màn bí mật của một nền văn minh cổ đại, cùng với một tá những nhân vật hiểm ác có tham vọng đoạt được thứ công nghệ hay phép thuật đã bị chôn vùi của nền văn minh đó để thống trị hay huỷ hoại cả thế giới.

Ngoài ra, cũng có một số những chi tiết thường lặp lại khác như việc Adol thường xuyên bị sóng đánh dạt vào bờ, Adol bị rơi vào ngục tù và chờ đợi Dogi đến giải cứu, và một cô gái trẻ nào đó phải lòng Adol và anh ta thì thường chẳng mảy may chút gì để ý đến cô ấy. Cũng giống như những cô gái đã đến và đi trong dòng phim điệp viên Bond 007, những cô gái trẻ đem lòng mến mộ Adol Christin đa phần cũng không bao giờ trở lại trong những game khác ngoài một ngoại lệ duy nhất là Lilia. Nhiều người đã đặt giả thuyết rằng, cũng giống như việc Bond phải lòng Vesper Lynd trong Casino Royale để rồi cuối cùng nhận ra cô không phải là một cô gái bình thường như bao cô gái khác và đánh rơi mất tình yêu của đời mình, Adol cũng đã dành trọn trái tim của mình cho Feena và quãng thời gian họ rong ruổi bên nhau trong những ngày tháng anh còn đang trị thương tại nhà của lão bà Jeba ở làng Zepik. Và rồi cuối cùng khi Feena phục hồi lại trí nhớ, anh mới biết cô là một trong số hai thánh nữ của Ys đã sống đến hàng ngàn năm để bảo vệ viên Ngọc trai Đen (Black Pearl) của Ys và bảo vệ cả đất nước. Tình yêu, sự hy sinh và chia ly vĩnh viễn thường là một chủ đề quen thuộc của dòng game Ys. Như tình yêu giữa Adol và Feena đã phải kết thúc khi cô trở lại làm thánh nữ và không thể đến với anh vì trách nhiệm hy sinh để bảo vệ Ys của thánh nữ là quá lớn. Hay như mối tình giữa Reah và Toal Fact hơn 700 năm về trước trong Ys Origin, khi anh chấp nhận bán chính linh hồn của mình cho quỷ dữ để cô và Feena không phải tự hoá đá để phong ấn cùng với họ viên Ngọc trai Đen, để rồi cuối cùng vẫn không thực hiện được. Và vào giây phút cuối cùng họ còn nói chuyện được với nhau, Reah đã trao trả lại cây harmonica chính anh đã tặng cô trước ngày anh ra trận. Và Toal đã để lại cây harmonica đó cùng với thanh kiếm Cleria để 700 năm sau Adol Christin mới có thể dùng chúng để chiến thắng được quỷ dữ Dark Fact. Mối tình giữa Yunica và Roy hay giữa Hugo Fact và Epona cũng đều kết thúc trong một cuộc chia ly đầy nước mắt như vậy. Và mỗi lần những giai điệu quen thuộc của khúc The Pain of Seperation vang lên, là tôi lại bồi hồi nhớ về những khoảnh khắc ấy.

Về mặt gameplay, lối chơi của Ys gần như khác hoàn toàn so với tất cả những game RPG hành động khác, kể cả tại thời điểm đó lẫn thời điểm hiện tại, với hệ thống chiến đấu của mình. Bởi Adol Christin thực sự quá ngầu để phải cần đến một nút chém. Thay vào đó thì người chơi sẽ tiêu diệt quái vật bằng cách ... lao thẳng vào người chúng. Mà thực ra cũng không hẳn là thẳng, mà phải là lao vào chúng nhưng hơi lệch tâm một chút nếu bạn không muốn chính mình cũng phải nhận damage, hoặc lao vào chúng từ phía sau. Nói thì có vẻ khó hiểu, nhưng bạn chỉ cần nhìn vào hình bên là đủ. Lối chơi này thoạt đầu bạn sẽ thấy có vẻ như là khá ngu xuẩn, nhưng nó vẫn đòi hỏi cần phải có những kỹ thuật khéo léo của riêng nó. Và trong những phiên bản đầu tiên của Ys I & II, khi mà game mới chỉ có thể hỗ trợ di chuyển theo bốn hướng, hệ thống chiến đấu tưởng chừng rất đơn giản dễ hiểu này lại tỏ ra khá khó chịu. Tuy nhiên, đây cũng là lý do mà Ys tỏ ra khá ‘nhân từ' khi cho phép bạn hồi máu miễn là bạn đứng yên tại chỗ trong vài giây. Với tư cách là một game, Ys luôn luôn là một game cực kỳ thẳng thắn và không gây khó dễ cho người chơi với những câu đố hiểm hóc hay những quãng thời gian tìm đường nhập nhằng—tất cả những yếu tố đã khiến cho thể loại game RPG hành động như Zelda trở nên phổ biến. Ys giữ nguyên lối chơi này cho đến khi Ys V: Lost Kefin, City of Sand ra đời và khai sinh ra nút tấn công và nút nhảy. Và cuối cùng, cho đến nay, cùng với sự xuất hiện của Ys SevenMemories of Celceta (và sắp tới là Ys VIII: Lacrimosa of Dana) thì Adol đã không còn phiêu lưu một mình nữa và đã có thêm 2 đồng minh cùng tham gia chiến đấu một lúc. Đối với một dòng game đã kéo dài gần ba thập kỷ, Ys thực sự đã đi một quãng đường rất dài.

Thế còn nhắc đến âm nhạc của Ys. Như tôi đã nói ở trên, có lẽ phải đến 70-80% người chơi say mê đuổi theo những bước chân của chàng kiếm sĩ trẻ Adol Christin là bởi chính cái âm nhạc trong gần như tất cả các game Ys (trừ các phiên bản không được phát triển bởi chính tay Falcom). Và tất cả đều là nhờ có sự tồn tại của nhóm nhạc in-house Falcom Sound Team J.D.K. Tôi có thể dành riêng hẳn một bài viết chỉ để kể cho bạn nghe về từng bài và ý nghĩa của chúng tôi đối với cá nhân tôi, nhưng đáng tiếc có lẽ tôi xin được rút ngắn lại để khỏi rơi vào tình trạng lan man.

jdk band
jdk Band thế hệ thứ 2 (từ trái qua phải: Atsushi Enomoto - bass guitar; Kanako Kotera - vocals; Toshiharu Okajima; Masaru Teramae - guitar; Icarus Watanabe; Terukazu Inoue - guitar; Noriyuki Kamikura - keyboards; Mizuki Mizutani - violin)

Theo các nguồn trên Wikipedia, thì Falcom chính là người đi đầu trong việc chuyên nghiệp và thương mại hoá nhạc game (video game music), với những bộ soundtrack đầu tiên được sáng tác bởi hai nhạc sĩ Yuzo Koshiro và Mieko Ishikawa, và cải biên bởi Ryo Yonemitsu. Họ là công ty đầu tiên chính thức sản xuất đĩa CD nhạc game, là công ty đầu tiên áp dụng lời (vocal) vào nhạc game, và là một trong số những công ty đầu tiên có hẳn một đội âm thanh trong đó bao gồm toàn những nhạc sĩ chuyên nghiệp cống hiến hoàn toàn cho game, chính là Falcom Sound Team J.D.K. Bộ soundtrack của dòng game Ys đã được coi như một biểu tượng đỉnh cao của âm nhạc trong game nhập vai trong lịch sử từ trước đến nay của cả ngành công nghiệp.

Sau thời hoàng kim của mình những năm 90, khi dòng game Ys của Falcom bắt đầu giai đoạn đóng băng kéo dài 8 năm cho đến khi Ys VI: The Ark of Napishtim ra đời năm 2003, Falcom Sound Team J.D.K. đã bị tan rã. Phải mãi cho đến năm 2007, họ mới được Falcom cho tái sinh với cái tên mới ngắn gọn hơn nhiều là jdk Band, cùng rất nhiều những gương mặt trẻ đầy triển vọng, trong đó có cây nhạc vĩ cầm Mizuki Mizutani mà bản thân tôi là một fan ruột. Đời tôi chẳng ước được đi nghe hoà nhạc kỷ niệm mấy chục năm tuổi đời Final Fantasy của Nobuo Uematsu làm gì, mặc dù nhạc của ông cũng đã như một tượng đài với bao thế hệ. Mà cái tôi ước là được một lần đến nhảy múa điên loạn cùng giai điệu To Make The End of Battle, hay được khóc cùng tiếng harmonica da diết của khúc Whereabouts of the Stars trong một đêm nhạc của jdk Band. Chỉ nghĩ đến thôi mà đã muốn sởn cả da gà.

Cái chất trong âm nhạc của Ys nói riêng và jdk Band nói chung luôn rất rõ ràng: đều là những giai điệu rất mạnh mẽ, rất catchy, và thường rất sôi động, mang cảm giác anh hùng và phiêu lưu. Đa số các biên khúc đều thuộc phong cách rock/metal rất gần với phong cách của các ban nhạc metal như Iron Maiden, ban nhạc được đón nhận cực kỳ rộng rãi những năm 80. Cũng giống như Iron Maiden, âm nhạc của jdk Band cũng tận dụng sức nặng âm thanh của đàn synthesizer rất nhiều, đôi khi là để nhấn mạnh hơn những đoạn cao trào, và đôi khi là để làm giảm nhịp độ xuống. Ví dụ như khúc La Valse Pour Xanadu của tựa game Xanadu Next, một game khác của Falcom ra đời năm 2005, được thể hiện bởi David Matthews, với các nhạc cụ chủ lực là trumpet và saxophone, cũng được tô đậm bởi nền beat synthesizer. Trong bài này, đoạn solo trumpet đối với tôi vẫn luôn là đoạn ấn tượng nhất. Và nếu như bạn có xem OP video của Xanadu Next, bạn sẽ thấy cả khúc nhạc này đã được soạn ra với chính xác mục đích để kể lại cả một câu chuyện thần thoại về lâu đài Strangerock và The Black Bride tại vùng đất Xanadu. Hay nếu như bạn không thích phong cách ‘kể chuyện' có đôi phần u ám và tăm tối của La Valse Pour Xanadu, bạn vẫn luôn có thể chìm đắm vào những giấc mơ anh hùng bi tráng và đầy những ngây thơ khờ dại của khúc Twilight Wanderers, cũng chính là nguồn cảm hứng cho tựa đề của bài viết này. Hay cũng có thể là Beyond the Beginning, Ruins of Moondoria, Hollow Light of the Sealed Land, và còn rất rất nhiều những bài khác nữa.

Đã có rất nhiều sự so sánh giữa Ys và Legend of Zelda của Nintendo, cụ thể là trong cái cách mà Adol và Link chia sẽ những điểm tương đồng dưới tư cách là ngôi sao chính của cả dòng game. Nhưng thực ra, Ys đã và đang luôn là một cõi của riêng nó. Nếu như Zelda đã rất nhiều lần đi theo những con đường chủ đề khác nhau, trong sáng có và tăm tối cũng có, thì Ys lại luôn hào hứng và say mê với những cuộc phiêu lưu mới, dường như để nuôi dưỡng giấc mộng được một lần làm anh hùng trong những đứa trẻ như tôi, và đồng thời luôn tỏ ra hết sức phóng khoáng và không bó buộc với triền miên những hệ thống và những đoạn cắt cảnh phức tạp như các game JRPG khác. Cũng không giống như Final Fantasy của Square Enix, Ys cho đến nay vẫn giữ được tròn vẹn bản chất nguyên thuỷ của chính mình, đó là tinh thần RPG Nhật Bản thời đại PC-88 với những cuộc phiêu lưu vĩ đại và tự do. Và chính đó cũng thể hiện nên cái tinh thần và thái độ cương quyết và cứng rắn của chính Falcom trong việc kinh doanh của họ.


Và, tại sao lại không nhỉ? Một khi bạn đã phát minh ra một thứ gì đó, thì sẽ chẳng có ai có quyền bắt bạn phải thay đổi nó cả.

Comments


Like ViNa Ludens trên Facebook

© 2018 ViNa Ludens. All Rights Reserved.

Background & Header by freepik.com

Muốn hợp tác cùng ViNa Ludens? Liên hệ với chúng tôi tại Fanpage hoặc địa chỉ email alex.vu@vinaludens.com

bottom of page