top of page

DnD & Ảnh hưởng đến Phát triển Game Hiện đại

  • Writer: Hùng Vũ
    Hùng Vũ
  • Jan 2, 2019
  • 10 min read

Updated: Jan 4, 2019


dungeons and dragons

Bạn đang làm gì? Chơi game phải không? Đúng rồi, bạn đang chơi game! Game gì vậy? RPG, RTS hay FPS? Cho dù bạn đang chơi game gì đi chăng nữa, có bao giờ bạn tự hỏi rằng, nền tảng của những game đó là gì không? Ví dụ nhé: Một game RPG thì class của một nhân vật như thế nào, một RTS thì việc các loại quân khắc chế nhau thế nào, một FPS thì đồng đội phối hợp với nhau thế nào, v.v… Đọc đến đây, nếu bạn cảm thấy không có hứng thú với đề tài này, xin mời bạn quay lại thế giới mà mình đang phiêu lưu, tôi sẽ không làm phiền bạn nữa. Còn nếu không, bạn hãy dừng chuột và phím lại đôi chút, bấm vào môt nút nào đó để thoát game và dành vài phút để đọc bài viết này, tôi hi vọng rằng nó sẽ cung cấp được cho bạn một chút ít thông tin cần thiết.

Dungeons and Dragons

Nếu là một fan của thể loại RPG (role playing game – nhập vai), chắc bạn không lạ gì những cái tên như: Fallout, Baldur’s Gate, Neverwinter Night, Mass Effect, The Elder Scroll… Nhưng bạn có biết rằng, tất cả những game đó đều dựa trên nền tảng và những quy tắc của Dungeons and Dragons. Vậy Dungeons and Dragons là cái gì?

Lúc còn là một cậu bé hay cô bé, bạn thường “đóng giả” những vị anh hùng, cảnh sát, chơi trận giả,… Đấy chính là một khía cạnh của việc “nhập vai”. Và Dungeon and Dragon (DnD) cũng được xây dựng dựa từ những yếu tố đó.

DnD là một dạng trò chơi RPG cổ điển vào bậc nhất, được phát triển theo nền của các game table top (trò chơi trên bàn), xuất hiện đầu tiên từ những năm 70 của thế kỉ 20. Trong trò chơi này, người chơi được chọn các lớp nhân vật khác nhau (PC – playing character), tham gia vào một cuộc hành trình có cốt truyện được dẫn dắt bởi một người chơi đóng vai trò DM (dungeon master). Cốt truyện của DnD có thể được chính DM xây dựng hoặc có sẵn từ các nhà phát hành. Những người tham gia trò chơi sẽ được trải qua một cuộc phiêu lưu, nói chuyện với các NPC (Non playing character – những nhân vật xuất hiện và do DM điều khiển), đi xuống các hang động để kiếm báu vật, đánh nhau với các loài rồng, …


Các yếu tố trong DnD rất đa dạng và phong phú, trong khuôn khổ bài viết, người viết xin chỉ trích dẫn một vài điểm quan trọng nhất mà dựa trên đó, các nhà sản xuất đã sáng tạo ra một lượng rất lớn các video game.

dnd session
Một session của DnD thường có thời gian rất dài

Thế giới ảo

Một điều rõ ràng mà ai cũng có thể nhận ra, điểm chung giữa DnD và các video games hiện nay là đều xây dựng một thế giới ảo, và hướng người chơi cảm nhận những khía cạnh khác nhau của thế giới ảo đó, và tất cả đều dựa trên những đặc điểm riêng biệt do nhà sản xuất cung cấp.


Trong DnD, người chơi có những luật cơ bản về chiến đấu, di chuyển, bị thương và chết, tuy nhiên, đồng thời cũng các rule dành riêng cho các nhân vật kèm theo hệ thống tinh thần của họ. Người chơi hoàn toàn nắm quyền kiểm soát hành động cũng như cách chiến đấu, di chuyển của mình, dựa trên điểm số hiện ra trên các con xúc xắc. Dựa trên các luật cơ bản đó, DnD cung cấp một khả năng mô phỏng mạnh mẽ những gì trong đời sống thực, bổ sung trên đó là các yếu tố mang tính chất viễn tưởng, siêu nhiên bao gồm: các chủng tộc không phải là người như: elves, dwarf, ork, …., phép thuật và các con quái vật như rồng chẳng hạn. Lần đầu tiên tham gia trò chơi, bạn có thể đi loanh quanh, nói chuyện với người dân ở vùng đó, khám phá những nơi mới lạ.


Nhưng, quan trọng hơn, đó là vai trò của bạn trong trò chơi. Bạn có thể là một người anh hùng trong thế giới đó, phiêu lưu để cứu những con người bị nạn, bảo vệ làng mạc, thành phố. Đây chính là điểm chốt yếu để có thể xây dựng nên các game hiện nay, khi mà câu chuyện thường được xây dựng quanh một con người cụ thể nào đó với câu chuyện riêng.

warcraft 3
Warcraft 3 - Một trong những game RTS kết hợp yếu tố RPG thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại

Thế giới của DnD được sáng tạo một cách vô hạn, bởi nó dựa trên sự tưởng tượng từ trí óc con người. Giả sử, khi ai đó nói: “rừng cây” hay “lâu đài”, ngay lập tức bạn sẽ hình dung được, rõ ràng hoặc không rõ ràng, nhưng chắc chắn khái niệm đó có thể được cụ thể hóa. Trong DnD, việc DM dẫn dắt người chơi và tạo sự hứng thú, khơi dậy sự sáng tạo và trí tưởng tượng của họ bằng khả năng truyền đạt và dẫn dắt của mình. Chính họ cũng là người tạo ra thế giới của DnD, đặt các chướng ngại vật hay đóng vai các NPCs để giao tiếp, cung cấp thông tin cho các PCs.


Các video game hiện đại (không phải tất cả) cũng sở hữu DM, nhưng dưới một khía cạnh khác. “DM” của một video game không phải là một, mà là rất nhiều người bao gồm: họa sĩ, kĩ thuật viên, lập trình viên, thiết kế chung, v.v… để tạo nên một thế giới mà trong đó, những tưởng tượng của họ được cụ thể hóa.Các thức hiển thị của thế giới đó sẽ được hỗ trợ qua các phần cứng và phần mềm mà những “DM” sử dụng. Như vậy, người chơi game sẽ được cảm nhận thế giới ảo một cách rất rõ ràng, đôi lúc là rất đẹp, lung linh huyền ảo hay âm u kì bí, nhưng đồng thời, trí tưởng tượng của họ sẽ không còn được dùng đến nữa. Nhưng người chơi hoàn toàn có thể lựa chọn để chơi những game mà trong đó, cách thể hiện gần với mong muốn của họ.

Cốt truyện và cách thức thể hiện

Sự phong phú và uyển chuyển trong thế giới ảo của DnD cũng là một điểm mà các nhà sản xuất game luôn muốn học tập theo. Và cốt truyện cũng là một phần như vậy.

Các gamer hiện nay hầu như đều chọn các game có cốt truyện tương đối phức tạp để chơi, tất nhiên, trừ những thể loại như: các game về thể thao, về cờ, các game mini,…. Cốt truyện có cấu trúc giống như một tác phẩm văn học (đôi khi, chúng giống như những cuốn tiểu thuyết thực sự. Có thể thấy điều này qua những game như Baldur’s Gate, Fallout,…). Chúng có mở đầu, có kết thúc tại một thời điểm nhất định (có thể tiếp diễn sau đó), có các tình tiết mang tính kịch cao (các tình huống nút thắt, điểm nhấn,…), có sự dẫn dắt từ sự kiện này đến sự kiện khác. Tuy nhiên khác với cuốn sách bạn chỉ đọc và tưởng tượng, khác với phim, bạn chỉ được nhìn, trong game, bạn sẽ tự tay điều khiển nhân vật của mình tham gia các tình huống trong đó. Điều đó sẽ khiến người chơi thực sự cảm nhận được câu chuyện một cách rất chân thật và sống động.Trong DnD, việc dẫn dắt câu chuyện dựa trên cốt truyện chính do DM làm, và các tính tiết họ hoàn toàn được quyền điểu khiển. Hội thoại trong DnD, một cách nào đó, là việc đối thoại tự nhiên giữa người với người dựa trên bối cảnh chính. Người chơi sẽ dễ dàng và tiếp xúc tự nhiên câu chuyện. Các nhà sản xuất game cũng đã cố gắng để làm điều này, và ở một vài mặt, họ đã thành công khi xây dựng được những câu chuyện ăn sâu vào lòng người chơi. Tuy nhiên, việc đối thoại trong games lại chưa được tự do (sẽ được nói rõ hơn tại các phần sau).

Tương khắc, tương hỗ giữa các lớp nhân vật

DnD và RPG nói chung có khái niệm class. Class là một lớp các nhân vật sở hữu những khả năng riêng biệt và chuyên biệt, phù hợp với các nhiệm vụ khác nhau. Trong một vài trường hợp, các class phải phối hợp với nhau để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Tại một vài trường hợp khác, khi phải đối đầu với nhau, các class lại thể hiện sự khắc chế nhau, có thể hiểu đơn giản, giống như trò chơi búa-bao-kéo vậy.

Nếu nói như chỉ có RPG mới có class thì chưa đủ. Nếu suy rộng ra, trong FPS hay RTS, khái niệm class tuy không rõ ràng nhưng không phải không có. Một cách tổng quát hơn, class ở đây muốn nói đến, đó là vai trò của người chơi đối với tập thể (hợp tác) và đối với người chơi khác (đối đầu), kèm theo đó là sự cân bằng.


Trong FPS, nếu đã từng chơi Call of duty 4, chắc bạn không lạ gì khái niệm các “perk” bao gồm các kĩ năng khác nhau. Để xây dựng nên một class, người chơi sẽ kết hợp các perk với nhau. Mặt khác, call of duty 4 (COD4) là một game đòi hỏi phối hợp tốt, bởi vậy, nếu một team có được các class hỗ trợ nhau tốt, rất dễ để chiến thắng (điều kiện là kĩ năng của những người chơi từ hai phía là như nhau). Một game khác là Team Fortress (TF) cũng vậy. Không giống với COD4, TF chia ngay ban đầu thành các lớp nhân vật đặc biệt, và vai trò của mỗi một loại nhân vật có ảnh hưởng đến các nhân vật khác trong một trận đấu. Cụ thể như nếu một lính phun lửa đi cạnh một lính súng máy hạng nặng, việc tấn công tầm gần và tầm xa đều được đảm bảo.


Tuy nhiên, những “thế giới mở” trong các game đó cũng luôn tồn tại những mặt hạn chế rất dễ dàng nhận ra. Máy tính không hề có cảm xúc hay giác quan, đúng, và đó chính là vấn đề.


Trong RTS thì quan hệ tương khắc được thể hiện khá rõ ràng. Đối với một số game RTS cũ, đơn giản nhất chính là: thương khắc ngựa, ngựa khắc cung, cung khắc thương,… Trong Warcraft III, điều đó được mở rộng hơn. Mỗi một loại quân sở hữu một loại giáp khác nhau, đồng thời, có thể đánh các loại sát thương khác nhau. Tùy vào tính chất của loại giáp và loại sát thương, một unit sẽ bị mất một lượng “máu” (HP) khác nhau, ít hơn hoặc nhiều hơn.


Khác với DnD trên phương diện thể hiện, nhưng về cơ bản, tính chất khắc chế hay hỗ trợ là không thay đổi và cũng phải đảm bảo tính cân bằng giữa các class (hay unit).Đối với một số game, việc sở hữu class đồng nghĩa với hệ thống lên level (cấp độ đạt được sau một quá trình nhất định).. Mỗi khi đạt được một level nhất định. các kĩ năng của một class mới được mở thêm. Nhân vật của bạn sẽ càng ngày càng mạnh hơn theo thời gian và cách mà bạn phát triển nhân vật đó.

Thế giới mở

Một trong những điểm không thể bỏ qua đối với phát triển game hiện nay. Ngay cả các game ko phải RPG cũng cố gắng xây dựng cho mình một thế giới mở theo hướng: người chơi tự do khám phá, tự do hành động, tự do quyết định (tất nhiên không phải tất cả). Có thể lấy một vài ví dụ như: Assasin Creed, Saint Row hay điển hình nhất là dòng game Grand Theft Auto).


Tuy nhiên, những “thế giới mở” trong các game đó cũng luôn tồn tại những mặt hạn chế rất dễ dàng nhận ra. Máy tính không hề có cảm xúc hay giác quan, đúng, và đó chính là vấn đề. Cho dù chúng có nhanh nhạy đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể giải quyết những vấn đề mà con người chưa lập trình cho nó. Một trò chơi là một hệ kín, và khi người chơi muốn thêm, nó không thể tự mở rộng mà phải nhờ vào tác động từ nhà sản xuất.

Trong khi đó, DnD cung cấp một môi trường hầu như tự do hoàn toàn. Và sự tự do ấy đến từ DM. Nếu xảy ra một tình huống nào đó, ví dụ như DM một cánh cửa trên đường làm nhiệm vụ chính bị đóng chẳng hạn, và DM không cho phép bạn qua vì những lý do này hay lý do khác. Nếu như trong một game, thời điểm bạn có thể mở được cánh cửa này chắc chắn phải trải qua một số hữu hạn các sự kiện thì trong DnD, việc đấy lại phụ thuộc vào DM. Sự linh hoạt của DM sẽ tạo ra được những tình huống đặc sắc cho thế giới mà người chơi đang tham gia.


Cách thức người chơi tương tác với môi trường, vật thể xung quanh cũng là một vấn đề mà game chưa thể thể hiện toàn vẹn được. Mỗi người đều có những kiến thức nhất định về: vật lý, hóa học, hay xã hội, văn học, …. và đưa ra những hành động cho các sự việc, chúng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những kiến thức đó. Gia sử khi nhặt được một chiếc bình, bạn sẽ làm gì. Có rất nhiều cách giải quyết, và bạn tự do trong việc sử dụng chiếc bình đó. Có thể là dùng để đựng chất lỏng gì đó, dùng làm vũ khí hay dùng để ném, nhằm đánh lạc hướng một tên lính canh chẳng hạn. Trong các game hiện nay, thường thì bạn chỉ có thể chọn được một số việc mà thôi.


Quay lại về vấn đề cốt truyện đã nói ở phần 2, nếu chơi DnD, người chơi sẽ có thể có được những quyết định khiến câu chuyện hoàn toàn bị đi theo hướng khác. Việc trò chơi có tiếp diễn một cách “mượt mà” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào DM. Nếu DM có khả năng sáng tạo và dẫn dắt tốt, người chơi có thể tạo ra một câu chuyện của riêng mình, có liên kết với câu chuyện chính. Trong khi đó với một games, người ta chỉ có thể khám phá chứ không thể tự sáng tạo.

Kết luận

Rõ ràng những yếu tố của Dungeons and Dragons hiện nay đang được tận dụng một cách rất rộng rãi. Việc sử dụng các yếu tố đó như thế nào, có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng tạo của những nhà sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể mong đợi những game được sự tự do và phong phú một cách nhiều nhất có thể, lý do nằm ở sự hạn chế về mặt phần cứng và phầm mềm trong thời điểm hiện tại.


Theo Gamasutra

Commentaires


Like ViNa Ludens trên Facebook

© 2018 ViNa Ludens. All Rights Reserved.

Background & Header by freepik.com

Muốn hợp tác cùng ViNa Ludens? Liên hệ với chúng tôi tại Fanpage hoặc địa chỉ email alex.vu@vinaludens.com

bottom of page